Với tình trạng thực phẩm bẩn, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, dùng các chất cấm trong quá trình chăn nuôi được bày bán tràn lan trên thị trường như hiện nay, những mô hình chăn nuôi cho sản phẩm sạch rất được khuyến khích và có thị trường đầu ra rộng mở. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu về tiềm năng của mô hình nuôi lợn sạch, cũng như kỹ thuật nuôi lợn sạch đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP.
Giới thiệu về tiêu chuẩn VietGAP trong chăn nuôi lợn
VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là bộ các quy tắc tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Trong VietGAP bao gồm các nguyên tắc hướng dẫn bà con chăn nuôi nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, cũng như bảo vệ môi trường.
Mô hình chăn nuôi lợn VietGAP khi được triển khai đến các hộ nuôi sẽ bao gồm các hỗ trợ như: tập huấn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học từ khâu chọn giống cho bà còn, cách lựa chọn thức ăn, tư vấn về công tác thú y (tiêm phòng, phun khử trùng, tiêu độc), hỗ trợ nâng cấp chuồng trại, xây dựng hầm biogas, cung cấp một số vật tư chăn nuôi…
Tiềm năng của mô hình nuôi lợn sạch
Mô hình nuôi lợn sạch có rất nhiều lợi ích đối với bà con chăn nuôi cũng như người tiêu dùng. Đối với các hộ sản xuất, mô hình này giúp kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trong các khâu chăn nuôi, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá cả bình ổn và cao hơn các sản phẩm thịt lợn thường. Những cơ sở sản xuất áp dụng mô hình nuôi lợn sạch và được cấp chứng chỉ VietGAP sẽ mang lại lại niềm tin cho nhà phân phối và người tiêu dùng, giúp xây dựng thương hiệu và tạo thị trường đầu ra ổn định, thậm chí là xuất khẩu đi nước ngoài. Đối với người tiêu dùng, lợn được nuôi mô hình sạch có thịt dai hơn, thơm ngon hơn, đặc biệt là lúc thịt lợn chưa chế biến không có mùi tanh như lợn thường. Người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm thịt lợn có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi lợn sạch
Để sản xuất ra được sản phẩm thịt theo mô hình nuôi lợn sạch, bà con cần tuân thủ các quy định trong đầy đủ các công đoạn sau đây:
Thiết kế chuồng trại
Khu chuồng trại theo mô hình chăn nuôi lợn sạch phải đặt cách khu dân cư, nơi tập trung đông người, đường giao thông và nguồn nước mặt tối thiểu 100m, cách nhà máy chế biến, giết mổ tối thiểu 1km. Chuồng trại được đặt ở nơi gần nguồn nước sạch phục vụ chăn nuôi và vệ sinh chuồng trại.
Trại chăn nuôi cần có đảm bảo thông thoáng, dễ dàng vệ sinh, bố trí riêng biệt các khu chuồng nuôi, kho thức ăn, thuốc thú y, công trình cấp nước và khu xử lý chất thải. Bà con cũng cần có các biện pháp phòng chống cháy nổ cho trại. Xung quanh trại phải xây tường bao quanh để kiểm soát người, động vật và phương tiện ra vào trại, và có khu vực khử trùng để mọi phương tiện ra vào trại tiến hành khử trùng.
Chuồng nuôi lợn phải thiết kế phù hợp với từng giai đoạn phát triển của lợn, và mục đích sản xuất lợn thịt hay lợn nái. Máng ăn uống phải làm từ chất liệu không gây độc và dễ vệ sinh, tẩy rửa. Các thiết bị khác sử dụng trong chăn nuôi cũng phải đảm bảo an toàn, dễ vệ sinh lau chùi.
Nếu có điều kiện đầu tư khu giết mổ lợn ngay trong trại, bà con hãy thiết kế khu giết mổ đảm bảo vệ sinh và tính nhân đạo với động vật bằng sử dụng hệ thống cáp treo di chuyển lợn và máy trích sốc gây ngất lợn trước khi giết mổ, tránh giảm chất lượng thịt do lợn bị stress.
Chọn lợn giống
Con giống là một trong những yếu tố then chốt của mô hình nuôi lợn sạch, bởi lẽ có lợn ông bà, bố mẹ chất lượng tốt, sẽ giúp đẻ nhiều con, trọng lượng lợn con lớn, con sinh ra khỏe mạnh phẩm chất tốt, sẽ tránh được rủi ro trong quá trình nuôi và đảm bảo chất lượng lợn xuất chuồng. Con giống bà con chọn phải có nguồn gốc rõ ràng, từ các cơ sở cung cấp giống uy tín. Ngoài quan sát hình dáng bên ngoài của lợn giống đạt chuẩn, bà con cũng cần lưu tâm đến nguồn gốc bố mẹ, ông bà để hiểu về các tính trạng di truyền của lợn.
Nếu lợn giống được đưa từ bên ngoài vào trại thì phải đảm bảo khỏe mạnh và được nuôi cách ly để theo dõi theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Nếu bà con nuôi lợn giống để thịt, hay lợn nái hậu bị, thì đều phải có quy trình chăn nuôi theo đúng mục đích sử dụng, và thực hiện đúng quy trình chăn nuôi. Cách tốt nhất để bà con quản lý lợn giống là áp dụng quy tắc “cùng vào – cùng ra”, theo thứ tự ưu tiên cả khu, đến từng dãy, từng chuồng rồi từng ô. Có nghĩa là, lợn giống được đem vào cùng một khu/dãy/chuồng/ô cùng thời điểm, thì nên được xuất chuồng cùng một thời điểm.
Thức ăn và nước uống cho lợn
Thức ăn là yếu tố cũng rất quan trọng quyết định chất lượn lợn thành phẩm. Bà con tuân thủ sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo sạch, an toàn. Tuyệt đối không sử dụng thức ăn có chứa các hóa chất, kháng sinh trong Danh mục các chất cấm được Bộ Nông nghiệp ban hành. Thức ăn dự trữ phải bỏ trong kho khô ráo, thoáng, không ẩm mốc và không quá hạn sử dụng. Bà con phải thường xuyên kiểm tra và vệ sinh kho chứa thức ăn, khu sản xuất thức ăn để tránh ô nhiễm. Nguồn nước cho lợn uống tốt nhất qua hệ thống lọc, được định kỳ kiểm tra vi khuẩn E.coli và coliform.
Một kinh nghiệm chăm sóc lợn sạch chính là, thời gian đầu (khoảng 2 tháng), lợn nên được nuôi hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Thời gian sau, bà con cho lợn ăn xen với thức ăn phối trộn, đến nửa chu kỳ nuôi thì cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn phối trộn, có thể gồm bột ngô, lúa và cá khô nghiền nhỏ. Cách tự sản xuất thức ăn cho lợn vừa quản lý được nguồn thực phẩm, đảm bảo tự cung tự cấp, lại cho chất lượng thịt thơm ngon, tuy nhiên lợn không nhanh lớn như nuôi lợn bằng thức ăn công nghiệp.
Các biện pháp phòng bệnh cho lợn
Đàn lợn cần được tẩy giun sán, tiêm phòng các loại vacxin theo quy định. Mọi loại vacxin được tiêm phải được ghi chép thời điểm cụ thể, có sổ theo dõi đàn lợn về dịch bệnh, nguyên nhân phát sinh, các loại thuốc phòng và cách điều trị. Thông thường mỗi con lợn từ lúc sinh ra cho đến khi xuất chuồng phải được tiêm ít nhất 5 mũi vacxin, gồm tai xanh, lở mồm long móng, xuyễn, chống còi cọc, dịch tả. Bà con lưu ý chỉ sử dụng vacxin và thuốc thú ý trong Danh mục được cho phép của Bộ Nông nghiệp, cần tham khảo cán bộ thú y trước khi dùng cho lợn. Khi phát hiện lợn ốm, bà con lập tức nhốt lợn ở khu cách ly. Khi có dịch bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y, ngừng xuất đi nơi khác con giống của trại, sản phẩm và vật tư sử dụng trong chăn nuôi.
Bà con chủ động vệ sinh chuồng trại hàng ngày, cũng như phun thuốc khử trùng định kỳ 1 lần/tuần với chuồng nuôi, và 2 lần/tháng với khu vực xung quanh. Bà con cần thực hiện phát quang bụi rậm xung quanh chuồng nuôi, và vệ sinh hệ thống cống rãnh 1 lần/tháng. Tất cả mọi người khi vào trại phải mặc quần áo, giày dép bảo hộ. Sau mỗi đợt nuôi hoặc khi chuyển đàn phải rửa sạch và khử trùng chuồng, thiết bị trong chuồng và để trống chuồng ít nhất trong 7 ngày.
Xử lý chất thải chăn nuôi
Chất thải rắn từ chuồng lợn phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý theo đúng quy cách. Vị trí tập trung chất thải phải để cuối trại, xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước và tránh tràn. Chất thải lỏng phải được thu theo đường ống riêng vào khu xử lý chất thải để đảm bảo an toàn trước khi thải ra môi trường.
Một cách khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường rất hiệu quả, là xây dựng hầm biogas ngầm tận dụng chất thải tạo ra khí đốt để nấu nướng, tiết kiệm nhiên liệu đun nấu, tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ việc trồng trọt.