Bắt đầu phát triển mạnh trên phạm vi cả nước từ hơn một thập kỷ qua, nghề nuôi ba ba đã mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều vùng quê. Với những nỗ lực của bản thân và sự “ủng hộ” của môi trường khí hậu, nhiều gia đình đã làm giàu, trở thành tỷ phú nông dân từ mô hình nuôi ba ba thương phẩm, ba ba sinh sản. Dưới đây là một số mô hình nuôi ba ba làm giàu tiêu biểu của các hộ gia đình trên cả nước.
Những nông dân làm giàu từ nuôi ba ba
I. Mô hình nuôi ba ba làm giàu ở miền Bắc
Với điều kiện nhiều vùng miền núi có khí hậu lạnh, rất phù hợp cho ba ba sinh trưởng nên mô hình nuôi ba ba gai rất phát triển nhiều ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, và trở thành một nghề đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân.
1. Anh Nguyễn Hoàng Cương – Yên Bái
Một trong những mô hình làm giàu từ nuôi ba ba điển hình ở đây là gia đình anh Nguyễn Hoành Cương. Mô hình này được đầu tư quy mô lớn với các ao nuôi được thế kế bài bản để phục vụ cho việc nuôi thương phẩm và sản xuất con giống. Với ao nuôi thương phẩm, gia đình anh Cương có 3 ao với diện tích trên 2000m2, nuôi trung bình từ 400-500 con/ao.
Theo anh Cương, ba ba gai là giống bản địa của tỉnh Yên Bái, nên tốc độ sinh trưởng của nó rất nhanh. Nuôi 3 năm có thể đạt trọng lượng từ 3-6kg, trong khi đó các loại ba ba chỉ đạt từ 1-1,5kg/con với cùng thời gian nuôi. Chính vì đặc điểm khí hậu ở các tỉnh miền núi phía Bắc phù hợp với việc nuôi ba ba gai, nhất là với ba ba gai sinh sản, nên gia đình anh Cương đã mở rộng diện tích và phát triển trang trại ngày càng lớn hơn nhằm cung cấp ba ba thương phẩm cũng như con giống đến nhiều địa phương khác trong cả nước.
Sau nhiều lần thất bại, gia đình anh Cương đã xây dựng thành công mô hình nuôi ba ba gai, không những thành thạo về kỹ thuật, nghề nuôi ba ba gai còn mang lại nguồn thu nhập cao hơn rất nhiều so với mong đợi. Với giá bán trung bình từ 400.000-500.000đ/kg, mỗi con ba ba gai thương phẩm anh Cương thu được gần 2 triệu đồng. Với quy mô cả ngàn con như hiện nay thì gia đình anh Cương có thể thu về tiền tỷ mỗi năm là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
2. Anh Nguyễn Gia Vương – Thái Bình
Một trong những mô hình nuôi ba ba thành công khác là mô hình của gia đình anh Nguyễn Gia Vương ở Đông Hưng, Thái Bình. Khởi nghiệp với nghề nuôi ba ba từ năm 2010, anh Vương bắt đầu thả trên 1000 con ba ba mua từ các nơi cung cấp giống. Những năm sau anh tự nhân giống từ số ba ba mua về, nhờ vậy anh không phải mua con giống nữa, tiết kiệm một khoảng chi phí trong quá trình nuôi ba ba của hộ.
Mỗi lứa, anh Vương nuôi từ 24-30 tháng, trọng lượng trung bình đạt 2kg/con, với giá bán giao động từ 300.000-400.000đ/kg. Vào năm 2014, anh Vương đã xuất bán hơn 1 tấn ba ba thương phẩm. Sau khi trừ đi chi phí, gia đình anh Vương lãi khoản hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
II. Mô hình nuôi ba ba tiêu biểu ở miền Nam
Anh Trần Minh Lanh – Sóc Trăng
Một trong những “ông trùm” ba ba ở miền Tây là anh Trần Minh Lanh ở xã Mỹ Phú, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng. Đây là mô hình nuôi ba ba giống và ba ba thịt, với diện tích rộng hơn 3 ha hiện anh Lanh đang sở hữu đàn ba ba các loại trên 100.000 con (40.000 con là ba ba trưởng thành làm giống sinh sản và ba ba thịt).
Anh Lanh cho biết sau thời gian hơn 10 năm gầy dựng với nhiều lần khó khăn, thất bại anh mới có được cơ ngời như ngày hôm nay. Nhờ sự năng động và đức tính ham học hỏi, anh Lanh đã miệt mài tìm hiểu và nắm bắt kỹ thuật nuôi từ sách báo và phương tiện thông tin. Tuy nhiên, theo anh Lanh điều quan trọng để thành công trong nghề này là vừa làm vừa rút kinh nghiệm sau những vụ nuôi thất bại.
Với việc chăn nuôi quy mô lớn có đăng ký thủ tục với cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho việc nuôi động vật hoang giã của anh Lanh thuận lợi hơn từ khâu mua bán giống đến việc xuất bán ba ba thịt. Theo anh Lanh, đây là khâu rất quan trọng mà mọi người nuôi ba ba cần lưu ý thực hiện đúng theo pháp luật. Vì nó mang lại lợi ích cho người chăn nuôi khi được chứng minh nguồn gốc qua giấy tờ đăng ký với cơ quan chức năng, đây là điểm mạnh để cạnh tranh với nguồn ba ba nhập từ Trung Quốc với giá rất rẻ và không được kiểm soát trên thị trường.
Về hiệu quả kinh tế, anh Lanh cho biết nếu ban đầu đầu tư khoang 200 triệu thì sau 2 năm không những có thể hoàn vốn mà còn thu lợi nhuận được khoảng 100 triệu đồng.
Kết luận
Ngoài những mô hình làm giàu từ nuôi ba ba kể trên, còn rất nhiều trường hợp thành công khác. Như vậy có thể thấy, nghề nuôi ba ba không những đã tồn tại được trong thị trường sản phẩm nông nghiệp nhiều biến động, mà nó còn là hướng đi đúng đắn và bền vững cho các hộ gia đình muốn cải thiện kinh tế, thậm chí là có thể làm giàu nếu biết kiên trì và đầu tư đúng cách với nó.
minh muon hoc hoi ky thuat nuoi ba ba thay hay