Trong những năm gần đây, mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm dần được mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Hàng loạt hộ gia đình trên cả nước đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nuôi chim bồ câu. Sau đây là những “triệu phú bồ câu” điển hình nhất cả 3 miền đất nước.
Những mô hình nuôi chim bồ câu làm giàu
1. Anh Nguyễn Xuân Tiến – Bắc Ninh
Đến với “vùng đất Quan Họ”, bà con nông dân kể nhau nghe rất nhiều về anh nông dân Nguyễn Xuân Tiến đã đổi đời với mô hình nuôi bồ câu Pháp. Trang trại của anh Tiến nằm ở thôn Đạo Xá, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Sau nhiều năm miệt mài việc đồng áng nhưng chẳng mang lại hiệu quả kinh tế, gia đình vẫn trong cảnh túng thiếu, anh Tiến đã tìm hiểu qua sách báo và đi học hỏi về phương pháp nuôi chim bồ câu từ các trang trại trên khắp nước, đặc biệt là ở nhiều tỉnh miền Nam. Từ năm 2015, anh thử nghiệm nuôi 700 cặp bồ câu Pháp và đã nhận về kết quả bất ngờ.
Anh Tiến nhận ra loài chim này rất dễ nuôi và nhanh phát triển cũng như sức đề kháng cao hơn hẳn các giống gia cầm truyền thống. Vì vậy, anh đã mạnh dạn đầu tư thêm chim giống và mở rộng chuồng trại. Trong vòng hơn 1 năm, trại chim bồ câu của anh Tiến đã phát triển lên hơn 1000m2 với 3000 con, 1000 chim giống và 2000 chim thương phẩm.
Anh Tiến chia sẻ rằng bồ câu rất dễ nuôi nhưng ban đầu phải đầu tư chuồng trại kĩ lưỡng. Giống bồ câu Pháp mà anh Tiến đang nuôi cần nhiều ánh sáng, thoáng mát và đặc biệt là vệ sinh sạch sẽ chuồng trại. Chim phát triển rất nhanh nên khoảng 45 ngày là có thể xuất bán 1 lứa chim tơ. Chim giống khoảng 6 tháng tuổi bắt đầu sinh sản và để đến 7 lứa/năm, cho ra khoảng 10 – 14 con non.
Trang trại của anh Tiến chỉ nuôi duy nhất chim bồ câu Pháp. Đây là loài mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, mỗi tháng trại xuất ra khoảng 60% tổng đàn với giá bồ câu thịt ổn định ở mức 130,000/kg. Tính đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm từ chim bồ câu mang lại cho anh Tiến khoảng 40 triệu tiền lãi/tháng. Giấc mộng làm giàu từ mô hình nuôi chim bồ câu của anh đang trở thành hiện thực và là tấm gương sáng cho mọi người cùng nhau xóa đói giảm nghèo.
>> Tham khảo thêm bài viết các mô hình nuôi chim bồ câu hiệu quả
2. Anh Nguyễn Văn Khanh – Nghệ An
Miền Nghi Lộc – Nghệ An “đất cày lên sỏi đá” với những cơn gió Lào như thiêu đốt mỗi khi hè về. Bài toán kinh tế cho nông dân nơi đây đã làm cho những cấp lãnh đạo phải trăn trở bao năm qua. Thế nhưng, anh Nguyễn Văn Khanh đã mang lại cho miền quê Nghi Kiều – Nghi Lộc một hy vọng mới đó là làm giàu từ nuôi chim bồ câu.
Từ cuối năm 2012, anh Khanh đã bắt đầu xây dựng một trang trại nuôi chim bồ câu theo hướng khoa học và kĩ thuật cao trên diện tích gần 1ha. Anh nông dân thời hội nhập này đã tạo bước đột phá khi đổ bê tông cho toàn bộ chuồng nuôi thành từng dãy sạch sẽ và ngăn nắp. Mỗi chuồng 1000m2 chia làm 500 ô và mỗi ô là 1 cặp bồ câu sinh sản. Trong mỗi ô có lót ổ rơm cho chim đẻ. Máng thức ăn và máng nước gắn ở vị trí dễ lấy để thay đều đặn.
Đến thời điểm hiện nay, anh Khanh đã xây dựng 8 chuồng với 4000 cặp chim sinh sản. Theo anh chia sẻ thì mỗi tháng trang trai xuất bán khoảng 4000 chim thịt với giá 60,000/con. Cứ như vậy, gia đình anh thu về gần 1 tỉ lợi nhuận/ năm. Đây quả là một con số “khủng” đối với miền quê nghèo nơi đây.
Bên canh đó, anh Khanh vẫn đang dự định nhân đàn lên 8000 cặp chim sinh sản và chia sẻ kinh nghiệm nuôi cho bà con nông dân muốn bắt đầu nuôi chim bồ câu. Anh Khanh là một trong những tấm gương thoát nghèo tiêu biểu nhất của miền Trung đầy nắng và gió.
>> Tham khảo thêm bài viết Mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản
3. Anh Võ Văn Tần – Bạc Liêu
Chương trình khuyến nông của tỉnh Bạc Liêu đã giúp cho một người đàn ông từ một anh “Hai Lúa miệt vườn” trở thành triệu phú với mô hình nuôi chim bồ câu mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Đó là ông Võ Văn Tần ở ấp Phước 3B, xã Vĩnh Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Gia đình ông Tần là một gia đình thuần nông qua nhiều thế hệ. Từ nhỏ đến lớn ông chỉ biết quanh quẩn bên ruộng vườn với mức thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, từ năm 2009, ông đã theo dõi chương trình khuyến nông và quyết định học hỏi để thử nghiệm mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm.
Lúc đầu, ông chỉ dám mua 5 cặp chim giống về nuôi thử nhưng khó khăn đã xuất hiện. Chim ủ rũ, ốm yếu và chết gần hết. Không bỏ cuộc, ông bắt đầu nghiên cứu miệt mài bằng mọi cách từ sách báo đến truyền hình để học hỏi kiến thức và kinh nghiệm những người đi trước. Đến năm 2010, ông bắt đầu ứng dụng khoa học kĩ thuật vào quá trình nuôi chim bồ câu. Ông Tần thiết kế lồng bằng khung gỗ tạp và bọc lưới B40 để tiết kiệm chi phí, đặt lồng ở nơi khô ráo thoáng mát, vệ sinh chuồng 1 tuần 2 lần, cho chim ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều.
>> Tham khảo thêm bài viết Mô hình nuôi chim bồ câu nhốt chuồng
Nhờ những kiến thức tích lũy được nên đàn chim của ông phát triển nhanh chóng và lứa đầu tiên mang về cho ông 20 triệu đồng lợi nhuận sau 45 ngày nuôi. Nhận thấy tiềm năng rất lớn, ông Tần mở rộng trang trại ra nuôi thêm bồ câu giống với nhiểu chủng loại khác nhau như bồ câu ta, bồ câu Pháp, bồ câu Nhật.
Đến hiện tại, trang trại của ông có trên 2000 con giống các loại và hàng ngàn chim sinh sản cho ra chim thịt xuất chuồng đều đặn. Và mỗi tháng, sau khi trừ các chi phí thì ông Tần thu về hơn 30 triệu. Một con số đáng khâm phục “anh Hai Lúa miền Tây” vươn lên từ tay trắng.
Kết luận
Có thể thấy rằng mô hình nuôi chim bồ câu đã giúp cho rất nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ bồ câu hiện nay, và trong tương lai, được dự báo là sẽ cao hơn so với nguồn cung. Do đó, cơ hội làm giàu từ nuôi chim bồ câu vẫn đang rất rộng mở với những ai thực sự quyết tâm, khao khát làm giàu, dám nghĩ dám làm!