Khi nhắc đến chăn nuôi gia súc, hầu hết chúng ta đều nghĩ đến trâu, bò, lợn ít ai nghĩ đến dê. Thực tế hiện nay, dê là một trong những vật nuôi đang và sẽ là mối quan tâm lớn từ người tiêu dùng. Trong khi thị trường thịt bò, lợn đang biến động phức tạp thì giá thịt dê lại khá ổn định thậm chí nhu cầu về các sản phẩm từ dê được dự báo là sẽ tăng trong tương lai. Chính vì nhận thấy nhu cầu gia tăng đó, nhiều hộ đã không ngần ngại tăng đàn dê và đầu tư kỹ thuật kỹ lưỡng cho các khâu sản xuất. Kết quả đã có rất nhiều hộ dân trở nên khấm khá từ việc chăn nuôi dê này.
Những Nông Dân Làm Giàu Từ Chăn Nuôi Dê
Anh Đoàn Văn Hồng – Tiền Giang
Một trong những hộ nuôi dê làm giàu điển hình là Tổ trưởng của Tổ hợp tác chăn nuôi dê Tân Hòa – Gò Công Đông, Tiền Giang – anh Đoàn Văn Hồng (ở ấp Giống Lãnh 2, Gò Công Đông, Tiền Giang).
Tổ hợp tác được thành lập vào cuối năm 2012 với mục đích tập trung các hộ nuôi dê ở khu vực lân cận cùng học hỏi kỹ thuật nuôi, làm chuồng, hướng dẫn tiêm phòng, đăng ký số lượng nuôi để bảo vệ quyền lợi của tổ viên về giá bán. Hiện đã có hơn 30 tổ viên với tổng đàn trên 1200 con dê. Hiệu quả kinh tế của hộ gia đình đã được cải thiện rõ rệt.
Anh Hồng đến với nghề nuôi dê từ 2001, đến nay gia đình anh đã sở hữu đàn dê gần 200 con. Sau nhiều thất bại từ lúc ban đầu, anh đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi dê từ sách, báo, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm giống. Anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi dê với quy mô lớn theo hình thức thâm canh (nuôi nhốt) bằng thức ăn kết hợp với rau cỏ.
Anh Hồng mua dê giống từ Trung tâm giống Tiền Giang về tiến hành lai giống với giống dê sữa địa phương cho năng suất cao hơn trước rất nhiều.
Về thức ăn, vì dê chủ yếu ăn thức ăn thô xanh, anh đã đầu tư trồng cỏ trên 8.000m2 để phục vụ cho nguồn dinh dưỡng hàng ngày của dê, chưa kể anh còn trồng thêm so đũa quanh nhà – món ăn yêu thích nhất của dê. Anh Hồng cho biết cỏ tự trồng sẽ an toàn hơn cỏ đi cắt bên ngoài vì không đảm bảo có bị nhiễm bệnh hay bị xịt thuốc hay không. Ngoài ra, anh còn vớt lục bình ở con kênh gần nhà để làm thức ăn bổ sung.
Với giá dê khá ổn định những năm gần đây, thu nhập từ nuôi dê mang lại cho anh Hồng với trung bình là hơn 500 triệu đồng/năm. Ngoài nguồn thu nhập từ dê giống, dê thịt anh Hồng còn là hộ đầu tiên khai thác sữa dê để bán. Anh Hồng nhận định đây sẽ là lĩnh vực có nhiều cơ hội trong thời gian tới vì thị trường đang dần làm quen và đã chấp nhận. Hiện tại, anh đã bán được sữa dê với giá 50.000đ/lít và không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
Anh Nguyễn Văn Hùng – Thanh Hóa
Một mô hình nuôi dê thành công khác ở khu vực miền Bắc là hộ anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Với điều kiện cây rừng gần nhà, anh và các hộ trong xã đã đầu tư nuôi dê theo hình thức lấy thịt và dê sinh sản. Nhà anh Hùng đã nuôi được 20 con dê sinh sản, sản lượng thịt dê anh bán được hằng năm trung bình trên 300kg và thu được hơn 50 triệu đồng. Anh Hùng hớn hở: “Trong thời gian tới, nếu được hỗ trợ về vốn, tôi sẽ mở rộng quy mô đàn để nguồn thu nhập hằng năm có thể tăng cao hơn”.
Anh Nguyễn Văn Viễn – Thanh Hóa
Cũng ở Thanh Hóa, ở xã Thạch Cẩm, Thạch Thành hộ ông Nguyễn Văn Viễn đã thu được hơn 120 triệu đồng nhờ vào việc nuôi dê kết hợp với diện tích rừng sẵn có với tổng đàn trên 50 con. Nhờ hỗ trợ vốn và kỹ thuật từ địa phương nhiều hộ chăn nuôi dê ở xã Thạch Cẩm đã cải thiện được sinh kế của gia đình.
Ngoài những mô hình đã đầu tư thành công trên đây còn có rất nhiều trường hợp ở khắp các tỉnh thành thoát nghèo nhờ vào việc chăn nuôi dê này. Những hộ có nguồn vốn thấp, có điều kiện tự nhiên thuận lợi hãy mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi dê phù hợp để tăng thêm nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.