Cây đinh lăng giá trị nhất chính là bộ rễ hay còn gọi là củ của nó. Những cây lâu năm có giá trị rất cao và nhiều công dụng trong đông y. Hiện nay, nhiều gia đình đã khá lên nhờ trồng và mở rộng quy mô trồng loài cây này. Tuy nhiên, nếu trồng không đúng kỹ thuật thì cây chỉ có tốt lá, thân mà bộ rễ thì lại nhỏ. Do vậy bài viết dưới đây, Triệu Phú Nông Dân sẽ chia sẻ tới bà con kỹ thuật trồng cây đinh lăng lấy củ chi tiết.
Giá trị của cây đinh lăng
Cây đinh lăng là một loại cây thường dùng để làm thuốc trị bệnh cũng như làm gia vị cho các món ăn như gỏi cá, thịt chó và nhiều món khác.
Loại cây này có thể tận dụng được nhiều bộ phận khác nhau, tất cả đều có giá trị nhưng giá trị nhất đó là bộ củ của nó. Giá một bộ củ rẻ nhất cũng phải từ 200.000 đồng/loại 2kg. Những củ có tuổi đời 8-10 năm thì giá hàng triệu.
Cách trồng cây đinh lăng lấy củ
Mặc dù trước đây ở nông thôn hầu như gia đình nào cũng có một cây đinh lăng. Tuy nhiên, nếu kỹ thuật trồng không đúng thì cây không phát triển mạnh mẽ, bộ rẽ kém dinh dưỡng không to, ít rễ. Bà con muốn trồng đinh lăng lấy củ nên thực hiện theo kỹ thuật dưới đây:
1. Chọn giống cây đinh lăng
Đinh lăng có rất nhiều giống khác nhau nhưng nếu trồng để lấy củ bà con nên chọn loại Đinh lăng nếp có lả nhỏ và xoăn, vỏ cây nhẵn, củ to. Năng suất cây sẽ chất lượng và cao hơn. Loại đinh năng này có khả năng phát triển mạnh, thích hợp cho việc trồng trọt, kinh doanh.
Khi chọn giống không nên chọn cây quá già hoặc quá non. Mua được cây giống thì sẽ dễ chăm sóc còn hơn hoặc dùng cành đinh lăng, chặt thành nhiều đoạn từ 2-30cm, tránh để dập 2 đầu.
2. Đất trồng cây đinh lăng
Cây đinh lăng là cây có khả năng chịu hạn và không thể chịu được ngập úng. Chúng phát triển tốt ở vùng đất pha cát, tơi xốp, có độ ẩm trung bình. Trong kinh doanh cây đinh lăng, trồng diện tích lớn bà con phải cày đất tơi xốp, đánh luống cao 20cm, rộng 50cm. Nếu trồng ở vùng đất đồi núi thì phải làm hốc sâu 20cm, đường kính hố 40cm để đặt cây giống vào.
Thời vụ tốt nhất để trồng đinh lăng từ tháng 1-4. Nếu trồng vào mùa hè thì cần giâm cành cho ra rễ trước khi đặt xuống đất trồng.
3. Kỹ thuật trồng đinh lăng
Trồng đinh lăng có thể áp dụng nhiều cách khác nhau, giâm trực tiếp vào các bầu đất nilong hoặc cấy trên đất cát vàng đều có thể sinh trưởng được. Mỗi 1ha nên trông khoảng 40.000 đến 50.000 cây.
Khi trồng bà con trồng cây giống cách nhau 50cm, nghiêng theo chiều luống. Khi trồng xong phủ rơm rạ hoặc bèo tây lên mặt luống để giữ độ ẩm và tạo mùn cho đất. Trường hợp đất khô cằn thì cần tưới nước tạo ẩm bơm ngập 2/3 luống, tưới nước đẫm khoảng 25 ngày để đất tơi xốp.
Chú ý không được để cây ngập úng sẽ dễ chết. Khi đất đủ ẩm thì khơi thông rãnh để nước chảy đi, ngày mưa lớn cũng phải thoát nước hiệu quả, tránh thối hom giống, bầu giống.
Ngoài cách trồng theo diện tích lớn, đào hố thì bà con có thể trồng thẳng hàng hoặc tạo hình dáng vừa thu dược liệu vừa làm cảnh.
4. Chăm sóc sau khi trồng
Để cây phát triển tốt thì bà con cần bón lót 10- 15 tấn phân chuồng/ha, 400- 500 kg phân NPK/ha.
Trong năm đầu tiên cần cung cấp phân bón để thúc đẩy cây sinh trưởng tốt nhất. Cây cần bón thúc 8kg urê/sào, rắc trực tiếp vào luống cây và lấp đất lên. Khi cây lên tươi tốt thì cần tỉa bớt cành nhỏ, cành con để tập trung dinh dưỡng cho thân và cành lớn. Bón thúc vào năm thứ 2 6 tấn/ha phân chuồng và 300 kg NPK+100 kg kali. Lưu ý cần vun đất phủ kín gốc cây đinh lăng để cây có điều kiện phát triển mạnh nhất, bộ rễ có được nhiều chất dinh dưỡng để phát triển.
Cây đinh lăng có khả năng thích nghi khá lớn, chịu hạn, ít sâu bệnh. Hầu như trong suốt quá trình chăm sóc không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cây tự phát triển tự nhiên. Tuy nhiên, với kỹ thuật để lấy củ to thì bà con không nên để nhiều cành mà chỉ để 1 đến 2 cành là được. Tập trung phân bón dưỡng chất vào bộ củ của cây.
5. Thu hoạch cây đinh lăng
Tất cả các bộ phận của cây đinh lăng đều có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, đinh lăng phải trồng từ 2 năm trở ra mới cho thu hoạch. Khi thu hoạch bà con ngắt lá trước sau đó đến thân và rễ. Rễ và thân khi thu hoạch cần rửa sạch đất cát, cắt rời rễ lớn, hong gió một ngày cho ráo nước (giúp bóc vỏ dễ hơn). Những rễ to thì nên bóc vỏ để riêng.
Lá thu hoạch sấy khô để bảo quản. Thân lá dùng để làm thuốc bổ tăng cân, tăng co bóp tử cung. Rễ làm thuốc bổ tăng lực, tiêu hóa kém, phụ nữ sau sinh ít sữa, chữa ho ra máu, kiết lỵ … Rễ càng to thì càng có giá trị.
Chúc bà con thành công!
Trồng cây đinh lăng không tốn nhiều công chăm sóc, nhất là ít bị sâu bệnh nên khá nhàn. Chưa kể thu hoạch đinh lăng lúc nào cũng được, càng lâu càng có giá trị không lo bi mất giá. Chính vì vậy,đầu tư vào cây đinh lăng bà con chắc chắn sẽ thu được nguồn lợi lớn, lâu dài.