Kỹ thuật nuôi rắn mối sinh sản. Thức ăn cho rắn mối. Chuồng nuôi rắn mối


Rắn mối là loài bò sát sống trong tự nhiên, trong vườn nhà, dưới các lùm cây bụi rậm tại các vùng thôn quê. Thịt rắn mối là đặc sản rất được ưa chuộng tại các nhà hàng, quán nhậu tại các tỉnh miền Nam. Do nhu cầu của thị trường tiêu thụ rắn mối ngày càng tăng, nhiều hộ gia đình đã chuyển hướng sang mô hình chăn nuôi này. Bài viết dưới đây, Triệu Phú Nông Dân sẽ gửi tới bà con chi tiết kỹ thuật nuôi rắn mối sinh sản. 

Kỹ thuật nuôi rắn mối sinh sản. Thức ăn cho rắn mối. Chuồng nuôi rắn mối

Kỹ thuật nuôi rắn mối sinh sản

1. Cách chọn rắn mối giống

Chất lượng con giống là yếu tố quyết định đầu tiên đến thành công của mô hình. Nguyên tắc chung trong chọn rắn mối giống chính là chọn những con hoàn toàn khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, có kích thước ít nhất cỡ ngón tay cái trở lên. Bà con quan sát để chọn những con nhanh nhẹn, di chuyển linh hoạt, không có dị tật hay cụt đuôi, bốn chân đều nhau.

Để rắn mối sinh sản tốt, bà con cần cân đối số lượng rắn mối đực và rắn mối cái trong đàn. Bà con có thể phân biệt rắn đực và rắn cái dễ dàng qua ngoại hình: thông thường con đực sẽ có đầu to, đuôi dài, chân khỏe, thân hình thon, dọc hai bên hông có hai sọc đỏ, trong khi con cái đầu nhỏ, đuôi nhỏ, chân nhỏ, di chuyển chậm chạp hơn con đực, dọc hai bên hông cũng có sọc đỏ nhưng ngắn hơn và có lẫn những đốm trắng, đặc biệt nhất là rắn cái lưng trơn có sọc đen trên lưng trong khi con đực không có.

>> Tham khảo thêm bài viết: Giá rắn mối thịt và rắn mối giống. Địa chỉ bán rắn mối giống trên cả nước

2. Cách làm chuồng nuôi rắn mối

Chuồng nuôi rắn mối không cần quá cầu kỳ, tốn ít kinh phí. Nếu bà con nuôi rắn mối trong giai đoạn thử nghiệm quy mô nhỏ, thì có thể tận dụng xô, chậu để nuôi. Nhưng nếu muốn nuôi quy mô lớn đầu tư dài hạn, thì bà con nên xây chuồng kiên cố từ gạch hoặc tôn và thiết kế chuồng phù hợp với đặc tính sinh trưởng của rắn mối. Mật độ chuồng thích hợp nhất là ít nhất 20m2/1000 con rắn mối trưởng thành và khoảng 5m2/1000 con rắn mối con.

Chuồng cần có tường bao quanh cao khoảng 0.8 – 1m xây bằng gạch hoặc tôn. Lưu ý rằng tường bao cần ốp gạch trơn khoảng 40 – 60cm từ nền chuồng để ngăn rắn mối bò ra ngoài. Nền chuồng nên là nền đất hoặc nền láng xi măng khoảng ½ diện tích chuồng, lưu ý không láng hết chuồng bằng xi măng. Mái chuồng lợp kín đảm bảo che nắng che mưa nhưng vẫn thỏa mãn sao cho nắng sớm vẫn chiếu được vào chuồng vì rắn mối là loài thích sưởi nắng.

Trong chuồng bà con trồng các loại cây cảnh, xây những hang hốc cho rắn trú ẩn bằng cách dùng gạch ốc xếp thành chồng trong chuồng để tạo môi trường tự nhiên cho rắn mối sinh trưởng. Vào mùa đông, bà con lót thêm trong chuồng rơm rạ để rắn không bị lạnh nhưng nhớ thay thường xuyên để đảm bảo vệ sinh. Trong chuồng có bố trí máng ăn và máng uống riêng biệt cho rắn mối.

Kỹ thuật nuôi rắn mối sinh sản. Thức ăn cho rắn mối. Chuồng nuôi rắn mối

3. Rắn mỗi ăn gì? Các loại thức ăn cho rắn mối

Rắn mối tiêu thụ những loại thức ăn chính bao gồm: các loại côn trùng như mối, dế, châu chấu, gián, giun đất…; các loại thức ăn có mùi tanh như tôm tép, thịt, cá… và các loại trái cây có vị ngọt như chuối, dưa hấu… Trong đó thức ăn côn trùng là món khoái khẩu của rắn mối, tuy nhiên loại này khó kiếm và với các hộ nuôi quy mô lớn, họ thường nuôi rắn kèm với côn trùng như sâu làm nguồn cung cấp thực phẩm.

Các loại thức ăn tanh bà con lưu ý băm nhỏ và trộn với cơm, trái cây ngọt cũng cần thái nhỏ và tuyệt đối không cho rắn ăn thức ăn ôi thiu, lên mốc… Khẩu phần cho đàn rắn mối 1000 con khoảng 0.5kg/ngày, cho ăn 3 lần/ngày, nước uống thay thường xuyên để đảm bảo vệ sinh.

4. Phòng bệnh cho rắn mối

Rắn mối là loài không khó nuôi nhưng để chúng lớn nhanh khỏe mạnh thì bà con cần lưu tâm đến các biện pháp phòng bệnh cho chúng, Việc đầu tiên cần làm trước khi đưa rắn vào nuôi là sát trùng chuồng trại và xịt khuẩn phòng ngừa mầm bệnh. Trong thời gian nuôi, bà con nên vệ sinh chuồng trại thường xuyên, khoảng 2 – 3 ngày/lần.

Thức ăn và nước cho rắn luôn sạch sẽ, đảm bảo chất lượng và được thay mới hàng ngày, vì thức ăn để lâu ôi thiu sẽ có hại đến đường tiêu hóa của rắn. Có thể bổ sung khoáng vào nước uống để tăng khả năng miễn dịch của rắn trước mầm bệnh.

Bà con cần thường xuyên theo dõi sự phát triển của rắn để phát hiện những dấu hiệu lạ của mềm bệnh hay điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp. Nếu phát hiện có rắn mối bị bệnh, bà con cần cách ly chúng ngay lập tức để quan sát kỹ hơn và tránh lây bệnh cho cả đàn.

Một số loại bệnh thường gặp ở rắn mối như bệnh liệt chân (rắn bị liệt lần lượt từng chân, có xuất huyết đỏ ở dưới bụng, 3 – 4 ngày sau thì chết), bệnh no hơi (rắn bị đầy hơi ở bụng, hậu môn chảy nước, trong miệng tiết chất nhờn, 2 – 3 ngày sau thì chết) và bệnh tróc vảy (lưng rắn bị tróc vảy, thân bị mềm, 2 – 3 ngày sau thì chết).

Trên thị trường có một số loại thuốc dùng để chữa các bệnh thường gặp này của rắn mối, bà con có thể tham khảo cán bộ thú y hoặc những người có kinh nghiệm nuôi rắn mối để biết thêm chi tiết.

>> Mời bà con tham khảo thêm bài viết: 



Bà con muốn mua hoặc bán cây giống, con giống?

Đăng Bán / Mua

HÃY CHIA SẺ SUY NGHĨ CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT?! (Bình luận của bạn sẽ hiển thị sau khi được quản trị viên phê duyệt)

Please enter your comment!
Please enter your name here