Cá mú là loài cá thương phẩm có giá trị kinh tế rất cao. Ngày nay, các hộ chăn nuôi cá mú khá phát triển, quy mô chăn nuôi đa dạng từ hình thức nuôi lồng bè, nuôi ao và nuôi trong bể xi măng. Trong đó, nuôi trong bể xi măng khác với kiểu nuôi tự nhiên nhất nên cần chú ý kỹ thuật nuôi cá để đảm bảo chất lượng sản phẩm nuôi.
Cách làm bể xi măng nuôi cá mú
Trên thị trường có rất nhiều giống cá mú khác nhau, mỗi loại lại có đặc điểm về hình thái, tập tính và khối lượng khác nhau. Chính vì vậy, bà con chăn nuôi phải xác định mục đích làm bể xi măng để nuôi loại cá nào để xử lý bể nuôi sao cho phù hợp với tập tính của từng loài.
Cách làm bể xi măng nuôi cá thường có 2 loại là bể chìm và bể nổi. Thông thường, kỹ thuật nuôi cá mú và các loại cá khác thường lựa chọn bể chìm nhiều hơn vì nó đảm bảo độ chắc chắn và nhiệt độ nguồn nước ổn định. Bể nuôi cá có độ sâu từ 1 đến 2m, có độ nghiêng vừa phải về phía thoát nước. Để cá mú phát triển tốt thì cần chọn địa điểm nuôi cá yên tĩnh, nơi có nguồn nước sạch, thuận tiện cho giao thông, ít chịu ảnh hưởng của mưa gió lũ lụt. Có thể chia bể cá làm 2 ngăn , vách cố định để cá ăn và ở hai nơi khác nhau hoặc làm sàn cho cá ăn sạch sẽ.
Nhằm hạn chế ảnh hưởng của nhiệt độ và mưa gió thì nên làm mái che phía bên trên. Xử lý bể xi măng là khâu rất quan trọng. Trước khi đổ nước để tiến hành nuôi cá thì phải làm sạch bể nuôi. Đối với bể mới thì cho phèn chua vào và ngâm khoảng 1 tuần, cách này giúp làm sạch những bụi xi măng còn sót lại, đánh bay mùi xi măng độc hại. Sau 1 tuần thì tháo nước, rửa sạch bể và dùng nước sạch ngâm tiếp vài ngày.
Cuối cùng là rửa sạch bể một lần nữa, bón vôi để làm ổn định độ PH trước khi đổ nước chính thức vào nuôi cá. Nếu là bể cũ thì không cần ngâm phèn chua mà chỉ cần rửa sạch và ngâm nước sạch vài ngày, bón vôi là được.
Thả cá mú giống
Khi nuôi cá trong bể xi măng thì bà con phải chọn những con giống cá mú thật khỏe để chúng mau lớn. Đánh giá chất lượng của cá giống qua màu sắc sáng bóng, không có vết trày xước, không dị dạng, khi thả xuống nước thì bơi lội năng động, phản ứng với ánh sáng và tiếng động nhanh. Nên lựa chọn con giống ở những cơ sở cung cấp giống cá mú chất lượng, uy tín.
Tiến hành thả cá xuống bể lựa chọn thời điểm là sáng sớm hoặc chiều mát. Do cá vận chuyển từ nơi khác đến nên nhất thời sẽ chưa thích nghi được với nguồn nước và môi trường sống mới nên cần thả từ từ, tránh làm cá bị sốc nước, sốc môi trường chết yểu. Trước khi cho cá vào trong bế nên ngâm khoảng 10 đến 15 giúp cá thích nghi từ từ, tránh bị sốc. Với kỹ thuật nuôi cá mú trong bể xi măng, tránh cá bị bệnh thì bà con nên tắm cá qua nước muối nồng độ 2 – 3% và chú ý đến phản ứng của chúng.
Nuôi cá trong bể xi măng chắc chắn sẽ có những khó khăn và thuận lợi nhất định. Khó khăn là chúng không được thoải mái như lồng bè, ao vì diện tích có hạn. Thuận lợi là bà con dễ dàng quan sát sự sinh trưởng phát triển của cá bằng mắt thường dễ dàng.
Thức ăn cho cá mú
Chế độ cho cá ăn trong bể xi măng không khác với cách nuôi trong lồng bè, ao hồ là bao nhiêu. Thức ăn của cá mú bao gồm thức ăn tự nhiên là cá tạp, cua, ốc, tôm tép. Bà con có thể nuôi cá rô phi để chúng sinh sản làm thức ăn tự nhiên cho cá.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn dinh dưỡng đầy đủ, tiết kiệm chi phí mua thức ăn tự nhiên thì có thể cho cá mú ăn kết hợp với thức ăn chế biến sẵn như cám gạo, bột bắp, hoặc thực phẩm sinh học EM để ủ thức ăn. Kết hợp các nguồn dinh dưỡng này đảm bảo cá sẽ lớn nhanh, có sức đề kháng tốt.
Khi cho cá ăn cũng cần đảm bảo đúng khẩu phần và trọng lượng của chúng. Không nên cho ăn quá nhiều cá không tiêu thụ hết vừa lãng phí vừa làm bẩn nguồn nước, dễ sinh bệnh. Cụ thể, trong vài tuần đầu cho cá ăn với khẩu phần 10% thể trọng/ngày, sau đó giảm xuống 5-6% thể trọng/ngày.
Vệ sinh bể nước hàng ngày để đảm bảo cá sống trong môi trường sạch sẽ, ăn toàn. Nếu có nhiều bể nuôi thì nên phân loại cá theo từng giai đoạn để tránh trường hợp cá cạnh tranh nhau gây tổn thương, chết nhiều.