Có nguồn gốc từ tỉnh Bến Tre, với hương vị ngọt thanh và ngoại hình đẹp mắt, bưởi da xanh đã trở thành đặc sản nổi tiếng khắp cả nước và là loại trái cây mang lại giá trị kinh tế rất cao. Để trồng bưởi da xanh cho năng suất thu hoạch tối ưu, bà con cần nắm vững các kĩ thuật cũng như tỉ mỉ trong quá trình chăm sóc cây. Chúng tôi đã tổng hợp trong bài viết dưới đây những kiến thức về kỹ thuật trồng, cũng như giá cây giống và giá bưởi da xanh thành phẩm, mời bà con cùng theo dõi!
Đôi nét về giống bưởi da xanh
Bà con có thể nhận biết bưởi da xanh qua hình dáng bên ngoài: quả bưởi có dạng hình cầu to, nặng trung bình từ 1.2 – 2.5kg/quả. Bưởi khi chín có vỏ màu xanh hoặc xanh hơi vàng, vỏ khá mỏng và dễ lột. Múi bưởi có kích thước to, không có hoặc rất ít hạt. Đặc biệt nhất là ở phần ruột bưởi. Hiện nay bưởi da xanh chia thành 3 giống chính, bưởi da xanh ruột đỏ, ruột trắng và ruột hồng. Trong đó bưởi ruột đỏ có múi bưởi màu đỏ tươi, vỏ khá mỏng, tép bưởi căng mọng nước và có vị ngọt lịm. Đây là giống bưởi có giá trị dinh dưỡng cũng như giá trị kinh tế cao nhất. Bưởi ruột trắng có múi màu trắng, vỏ mỏng và cũng có vị ngọt lịm. Còn bưởi ruột hồng thì có tép bưởi màu hồng.
Giá bưởi da xanh giống và quả hiện nay
Là loại trái cây đặc sản rất nổi tiếng, bưởi da xanh hiện nay không chỉ được ưa chuộng và tiêu thụ rộng rãi trong nước, mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Đặc biệt, bưởi da xanh Bến Tre còn được cấp chỉ dẫn địa lý, điều này càng làm tăng thêm danh tiếng và uy tín của sản phẩm bưởi da xanh.
Chính nhờ lợi thế về thị trường đầu ra cũng như chất lượng sản phẩm làm hài lòng người tiêu dùng, giá bưởi da xanh thành phẩm thường ở mức cao, khoảng 55.000 – 65.000 đồng/kg, tùy thuộc vào trọng lượng và chất lượng của từng quả.
Nếu muốn mua cây giống bưởi da xanh, bà con có thể cân nhắc giữa 2 lựa chọn, mua cây được nhân giống bằng phương pháp chiết cành hoặc ghép gốc, trong đó bưởi ghép cho thu hoạch nhanh hơn, khả năng thích nghi với môi trường và chống chịu sâu bệnh tốt. Tuy nhiên bộ rễ của cây ghép kém phát triển, tuổi thọ của cây không được lâu dài.
Còn cây bưởi chiết có bộ rễ mọc ngang cứng cáp, cây cho thu hoạch lâu dài hơn nhưng do hệ số nhân giống thấp, phụ thuộc vào sức khỏe cây mẹ nên bưởi chiết luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn cung. Giá cây giống bưởi da xanh ghép khoảng 25.000 – 35.000 đồng/cây, còn bưởi chiết khoảng 35.000 – 50.000 đồng/cây.
Kỹ thuật trồng bưởi da xanh cho năng suất cao
Chọn cây bưởi da xanh giống
Như đã nhắc đến ở trên, bưởi chiết và bưởi ghép đều có những ưu nhược điểm. Nếu bà con trồng bưởi da xanh ở những địa phương quen thuộc với giống cây này như vùng đồng bằng sông Cửu Long, cây chiết là lựa chọn tốt nhất. Nhưng nếu bưởi da xanh được canh tác ở miền Bắc, cây ghép sẽ có ưu thế hơn nhờ khả năng thích nghi và chống chịu tốt với thay đổi môi trường và sâu bệnh.
Ngoài ra, cây giống được chọn cần khỏe mạnh, lá to xanh tốt, không bị sâu bệnh hay rỉ sắt. Bà con không nên mua cây giống ở các vùng trồng bưởi da xanh xen lẫn với các giống cây có múi khác để tránh hiện tượng thụ phấn chéo làm giảm chất lượng của quả bưởi.
Mật độ và thời vụ trồng
Mật độ trồng bưởi da xanh hợp lý là 5m x 5m đối với trồng đơn canh hoặc 5m x 7m đối với trồng xen canh. Bà con chỉ trồng riêng biệt bưởi da xanh để hạn chế thụ phấn chéo.
Bưởi da xanh nên được trồng vào tháng 4 hoặc tháng 5. Đây là thời điểm cuối mùa khô đầu mùa mưa tại các tỉnh Nam Bộ, nên khi cây trồng vào đất đủ cứng cáp sẽ được mưa tưới nước giúp tiết kiệm công tưới tiêu.
Chuẩn bị đất trồng cây
Loại thổ nhưỡng phù hợp để trồng bưởi da xanh chính là đất thịt pha. Bà con cần tránh trồng loại bưởi này ở vùng đất không thuận lợi như đất nhiễm phèn nặng, đất bạc màu, đất sét nặng, đất cát rời rạc, đất thấp ngập úng, đất cao “hóc” nước, đất có cỏ tranh bao phủ hoặc đất mới lên bờ. Cây bưởi da xanh ưa nước nhưng không ưa ngập, nên địa hình cần có khả năng thoát nước nhanh.
Trước khi tiến hành trồng cây bưởi giống 2 – 4 tuần, bà con cần chuẩn bị mô đất cho cây. Mô đất nên có đường kính khoảng 80 – 100cm, độ cao so với nền đất khoảng 40 – 60cm. Sau khi đào hố xong, bà con trộn đất với 10 kg phân hữu cơ hoai mục cùng với 0.2kg vôi và 0.2kg phân DAP cho vào hố.
Trồng và chăm sóc bưởi da xanh
Bà con lấy cây giống ra khỏi bầu, đặt cây xuống hố để mặt bầu cây nhô cao khoảng 3cm so với mặt hố, lấp đất nhẹ nhàng xung quanh bầu cây, kéo bao ni lông ra và lấp đất ngang mặt bầu. Nếu trồng bằng cây chiết, bà con nên đặt cây nằm ngang góc 450để cây dễ phát triển. Sau đó, bà con tưới nước cho cây, đồng thời cắm cọc cố định để chống gãy đổ.
Trong thời gian trồng cây, bà con cần lưu ý bước tỉa cành và tạo tán cho cây. Việc này được thực hiện sau khoảng 1 năm trồng, và đối tượng nhắm đến là các cành già, cành yếu và bị bệnh. Thời kỳ cây đang ra quả, bà con cũng nên loại bỏ các cành phát triển vượt để hạn chế việc tranh dinh dưỡng với cành nhiều quả khác.
Việc bón phân cho cây cũng cần được thực hiện trên cơ sở phân tích chất đất và giai đoạn sinh trưởng của cây. Thông thường, bà con sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục để bón. Đến giai đoạn cây ra lá, bà con bón thêm phân NPK để kích thích cây đâm cành mới.
Một số loại bệnh mà cây bưởi da xanh thường mắc phải như bệnh thối lá, thối rễ, bị sâu hoặc côn trùng gây hại. Giải pháp khi phát hiện cây bị bệnh chính là cắt bỏ những cành sâu bệnh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hoặc chế phẩm sinh học để tiêu diệt triệt để mầm bệnh.
>> Mời bà con tham khảo thêm bài viết: