Lợn Móng Cái là giống lợn nội thuần chủng có xuất xứ từ tỉnh Quảng Ninh và phân bố đầu tiên tại các địa phương vùng Đông Bắc nước ta. Do tính chất dễ thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết, khả năng tăng trưởng, sinh sản và nuôi con rất tốt của lợn Móng Cái, nên giống lợn này dần dần được phát triển rộng rãi tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và trở thành giống lợn nội được ưa chuộng nhất hiện nay.
Lợn Móng Cái tạo ra thịt thành phẩm rất thơm ngon. Tuy nhiên lợn nuôi lâu lớn, tỷ lệ nạc thấp, năng suất không được cao. Vậy nên các hộ chăn nuôi thường dùng lợn Móng Cái để làm nái nền lai với các giống lợn đực ngoại để cho con lai F1 nuôi lấy thịt. Mô hình nuôi lợn Móng Cái không hề phức tạp, mời bà con theo dõi kỹ thuật nuôi và giá lợn Móng Cái giống được chúng tôi tổng hợp dưới đây.
Sơ lược về đặc điểm sinh học của lợn Móng Cái
Lợn Móng Cái đặc trưng bởi màu lông đen pha lẫn trắng hoặc hồng. Lợn có đầu to, cổ ngắn và to, lưng dài, rộng và hơi võng xuống. Bụng lợn tương đối gọn gàng nhưng về sau bụng càng sệ, lông thưa và nhỏ, da mỏng mịn, chân cao, mỏng xòe. Lợn cái hầu hết có 12 vú trở lên. Lợn Móng Cái là giống lợn nội có nhiều ưu điểm vượt trội trong sinh sản. Lợn đẻ rất sai (mỗi lứa trung bình 14 – 16 con), đẻ sớm (4 – 5 tháng tuổi đã động dục, 6 – 8 tháng là có thể phối giống), và đẻ rất dai (kéo dài tới 10 năm).
Có 2 nòi lợn Móng Cái chính: nòi xương to và xương nhỏ. Nòi xương to có thân dài, chân cao, xương ống to, mõm dài, đa số có 14 vú, đẻ trung bình 10 – 12 con/lứa. Nòi xương nhỏ thì ngược lại, thân ngắn, chân thấp, xương ống nhỏ, mõm ngắn, đa số có 12 vú và đẻ ít hơn, trung bình 8 – 9 con/lứa. Ngoài ra còn nòi xương nhỡ, là sản phẩm lai tạo giữa đực nòi xương to và nái nòi xương nhỏ, loại này hiện nay chiếm đa số trong các giống lợn Móng Cái.
Kỹ thuật chọn lợn cai sữa làm nái
Không chỉ riêng với mô hình nuôi lợn Móng Cái, mà đối với tất cả các giống lợn, bà con luôn luôn mua con giống ở các cơ sở lai giống uy tín. Vì đặc tính thường chăn nuôi để làm lợn cái nền lai với các lợn đực giống khác, chúng tôi sẽ giới thiệu bà con cách chọn lợn Móng Cái cai sữa về làm nái.
Về ngoại hình, bà con hãy chọn những con có thân hình cân đối, vai và mông nở nang, ngực rộng, lưng võng vừa phải, chân to khỏe và đi bằng móng, dáng đi nhanh nhẹn, da hồng hào, lông thưa đều và bóng mượt. Lợn cai sữa phải đạt trên 4.5kg.
Về bộ phân sinh dục và hệ thống vú, đây là tiêu chí quan trọng nhất để chọn lợn nái giống. Bà con lưu ý chọn những con lợn nái có âm hộ phát triển cân đối, dáng bình thường, không bị khuyết tật, hệ thống vú phát triển tốt, khoảng cách giữa các vú đều nhau, núm vú phát triển đều đặn, không có vú lép, vú bị khuyết tật.
Kỹ thuật chăm sóc và thức ăn
Lợn cái Móng Cái cai sữa có đầy đủ tiêu chuẩn chọn làm giống được chọn nuôi tách mẹ một cách cẩn thận để chọn cái hậu bị. Trong giai đoạn nuôi tách mẹ này, lợn con nên được chia thành các nhóm khác nhau dựa theo khối lượng để chăm sóc nuôi dưỡng tốt hơn.
Chuồng trại cho lợn sau cai sữa phải sạch sẽ, khô ráo, ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Mật độ đàn trong chuồng đảm bảo lợn có không gian sinh hoạt thoải mái, không chật chội cắn xé lẫn nhau và phù hợp với giai đoạn phát triển của lợn: 0.4 – 0.5m2/con với lợn có trọng lượng 10 – 35kg, 0.8m2/con với lợn năng 35 – 100kg.
Công thức thức ăn cho lợn con sau cai sữa như sau: cho lợn ăn thức ăn công nghiệp 100% trong 14 ngày đầu sau cai sữa vì thức ăn công nghiệp đã được cân đối các thành phần dinh dưỡng theo nhu cầu của lợn con. Từ 61 – 90 ngày tiếp theo, bà con có thể sử dụng 100% thức ăn công nghiệp hoặc tự phối chế thức ăn. Thức ăn tự phối chế không cần cầu kỳ nhưng phải đảm bảo cung cấp đủ các dưỡng chất như tinh bột, đạm, vitamin và khoáng chất. Về tinh bột và đạm, bà con có thể cho lợn ăn cám gạo, cám ngô, bột sắc, bã bia, các loại khoai, bã đậu… kèm với khô dầu, đậu tương ép, khô lạc, đỗ tương, bột cá… Về vitamin và khoáng chất, bà con cho lợn ăn các loại rau củ, các loại bèo, thân chuối… trộn với bột xương, bột sò trong thức ăn.
Cách phòng bệnh
Cách phòng bệnh tốt nhất trong chăn nuôi lợn Móng Cái chính là giữ vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêu độc khử trùng, rắc vôi xung quanh chuồng, quét vôi lên tường bao quanh, xử lý chất thải chăn nuôi đúng quy trình, cách ly khi có lợn ốm bệnh, liên hệ với cán bộ thú y khi nghi ngờ có dịch…
Bà con cũng cần tuân thủ lịch tiêm phòng cho lợn. Khi nhập lợn về trại, bà con tiến hành tẩy giun sán cho lợn lần 1 và tẩy lần 2 lúc lợn 7 tháng tuổi. Bà con cần tiêm phòng cho lợn lúc 6 – 7 tháng tuổi. Các loại vacxin cần tiêm bao gồm vaxin bệnh tả, lepto, tụ dấu. Riêng với vacxin bệnh phó thương hàn, lợn con cần được tiêm trước khi cai sữa và tiêm nhắc lại sau đó.
Giá giống lợn ỉn Móng Cái
Giá của một con lợn giống Móng Cái tùy thuộc vào số cân nặng mà có giá khác nhau. Theo đó, lợn giống có cân nặng càng bé thì giá lại càng cao.
Sản phẩm | Trọng lượng | Giá thành |
Lợn giống Móng Cái | 8 – 10kg | 130.000 đồng/kg |
10 – 15kg | 110.000 đồng/kg | |
15 – 20kg | 100.000 đồng/kg | |
20 – 25kg | 90.000 đồng/kg | |
25 – 30kg | 80.000 đồng/kg | |
30 – 35kg | 70.000 đồng/kg | |
34 – 40kg | 60.000 đồng/kg | |
> 40kg | 50.000 đồng/kg |
Ai biết nơi thu mua chúng chỉ giúp sdt 0372277971
Ai biết người thu mua lợn móng Cái tại Đắk Lắk chỉ giúp sđt 0372277971