Cây ngô là một loại cây công nghiệp đang được trồng rất nhiều. Bắp của nó có thể làm thực phẩm, bánh kẹo hoặc thức ăn trong chăn nuôi. Ngoài ra, thân cây và lá cây ngô cũng có thể làm thức ăn cho gia súc vì chứa khá nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, do thân cây khô cứng nên bà con cần phải ủ thân cây trước khi cho ăn. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật ủ chua thân cây ngô cho trâu bò.
Quy trình ủ chua thân cây ngô cho bò ăn
Cây ngô sau khi thu hoạch bắp bà con nên chặt tận gốc và xếp nơi sạch sẽ tránh để nấm mốc hay mưa nắng làm cây bị mốc, thối không thể ủ được hoặc ủ không chất lượng. Quy trình ủ chua thân cây ngô được tiến hành như sau.
Trước tiên, bà con cần chuẩn bị các nguyên vật liệu sau:
- Thân, lá bắp tươi 100kg
- Bột men gồm: đạm urê 3kg, muối ăn 0,5kg
1. Xử lý thân lá bắp
bà con nên thu hoạch thân cây ngô vào ngày nắng ráo. Chặt phần thân cách gốc khoảng 30-40cm và loại bỏ những đoạn thân sâu, lá sâu, vàng , úa. Dùng dao băm nhỏ thân cây lá cây 3-4cm đối với quy mô nhỏ bạn có thể băm thủ công. Tuy nhiên, nếu quy mô căn nuôi gia súc lớn và với diện tích cây ngô rộng thì bà con nên đầu tư máy băm bắp chất lượng cao. Nó có thể băm hàng tấn cây bắp một ngày với cùng một kích cỡ vô cùng đều.
Máy băm bắp có thể tận dụng để băm cỏ, rơm cho trâu bò ăn cũng được. Khi băm xong cùng một khối lượng lớn một lúc sẽ tiến hành hong trong bóng râm, tránh bị ủng vàng rồi tiến hành ủ ngay trong 1-2 ngày. Sử dụng máy băm bắp giúp tăng năng suất, hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian, nhân lực.
2. Chuẩn bị hố ủ
Vị trí chọn hố ủ nên ở nơi cao ráo, thoáng mát tránh nơi nước có thể chảy xuống. Có thể tận dụng góc chuồng trại có hai mặt tường vừa sạch lại thuận lợi cho việc ủ và lấy sản phẩm ủ.
Hố ủ có thể được đắp bằng ụ đất nửa chìm nửa nổi. Nếu có kinh phí và kế hoạch ủ nhiều, ủ lâu dài thì nên đầu tư xây bể ủ bằng xi măng, gạch có mái che để sử dụng lâu dài.
Kích thước hố ủ dựa vào khối lượng thân ngô ủ. Nếu trọng lượng từ 400-500 kg nguyên liệu thì cần hố ủ khoảng 1m3.
Nhiều bà con đã xây dựng hố ủ hình tròn đường kính khoảng 1m, đào sâu 1m và đắp cao thêm 0,4cm rất dễ ủ thân lá bắp với khối lượng lớn.
3. Quy trình ủ chua thân cây ngô
- Thời gian sau khi băm bắp thì không tiến hành ủ quá 2 ngày vì nếu cây hoặc lá ủ lâu sẽ bị héo úa quá làm giảm chất lượng sản phẩm. Giữ cho nguyên liệu luôn trong tình trạng khô ráo, tránh ẩm ướt.
- Đối với hố ủ bằng ụ đất thì đáy hố ủ lót và tủ bằng 1-2 lớp lá chuối tươi hoặc tấm nylon hỏng , bao tải củ để đất, cát, sỏi đá không lẫn vào thức ăn ủ. Hố ủ xây bằng xi măng thì không cần lót.
- Cho từng lớp thân, lá bắp đã băm nhỏ vào hố ủ dày chừng 10-15cm. Kết hợp rắc đều phân đạm urê đã trộn với muối theo tỷ lệ nêu trên lên lớp nguyên liệu rồi dùng chân nén kỹ nguyên liệu, càng nén chặt, kỹ càng tốt.
- Tiếp tục cho lần lượt nguyên liệu vào thành từng lớp và làm theo các bước trên.
4. Che hố ủ
- Khi hố ủ đầy, che phủ hố ủ bằng lá chuối tươi hay bao tải dứa, giấy nilon cho kín và lấp một lớp đất dày 40-50cm.
- Đầm nén thật chặt lớp đất và tạo thành mai rùa để nước mưa không thấm vào hố ủ.
- Sau khi ủ 3-5 ngày để đống ủ ngót xuống lại cho thêm đất và đâm nén chặt.
- Dùng rơm, rạ đánh đống phủ lên trên một lớp dày 50-60cm để che mưa.
Đối với hố ủ bằng ụ đất thì bà con nên thường xuyên kiểm tra hố ủ xem chúng có bị chuột đào bới hay không. Nếu để hở thì sẽ làm giảm chất lượng của thân bắp khi ủ, bị vi khuẩn có hại xâm nhập.
5. Sản phẩm sau khi ủ cho gia súc ăn
Thời gian ủ khoảng 50-60 ngày mới có thể dùng cho gia súc ăn. Thời gian càng lâu thì chất lượng sản phẩm càng cao. Nếu chưa cần dùng đến thì bà con thậm chí có thể để hàng năm nếu như hố ủ và phương pháp ủ đúng kỹ thuật.
Chất lượng của sản phẩm sau khi ủ cần đạt yêu cầu như màu vàng nhạt, mềm hơi đàn hồi, mùi như mùi dưa muối thì là tốt. Nếu nó có mùi thối. màu sắc đen, úng nát thì đã bị hỏng, chất lượng kém không nên cho bò ăn. Tốt nhất bà con nên học ủ số lượng ít sau đó tăng dần để có kinh nghiệm ủ thân bắp hiệu quả.
Với ụ đất ủ bà con có thể lấy ra từng lớp một sau khi phá bỏ phần ụ đất bên trên đi. Chú ý nên che đậy kín ngay bằng nilon và dùng củi, gỗ, gạch dặm lại cho kín. Luôn luôn chú ý không để độ ẩm cao hay nước chảy vào làm hỏng sản phẩm. Sản phẩm sau khi ủ cho bò , trâu lợn ăn trực tiếp, không nấu chín lại sẽ làm mất vitamin và các chất dinh dưỡng khác. Gia súc, lợn khi ăn sản phẩm ủ chua được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, lớn nhanh và béo tốt.