Rắn ri voi được xem là một loài vật dễ nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nuôi rắn ri voi là một nghề mới giúp bà con làm giàu và đang được nhân rộng trên nhiều vùng cả nước. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin về rắn ri voi và cách nuôi loài vật này trong bể hoặc thùng nhựa như thế nào.
Rắn ri voi là con gì, có độc không?
Rắn ri voi (hay còn được gọi là rắn bồng voi, rắn ri tượng) là loài rắn thuộc loài rắn nước nhưng chúng có kích thước to hơn (nặng khoảng 3-8kg tùy con) và được nuôi phổ biến để lấy thịt rắn. Loài này phân bố đặc hữu ở Đông Nam Á, ở nước ta rắn có nhiều ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Thịt rắn ri voi thơm ngon và được dùng nhiều làm thức ăn. Rắn thường sống ở vùng nước ngọt.
Rắn ri voi là loài rắn không có nọc độc nhưng rất nguy hiểm vì bản tính hung dữ và sự phản xạ nhanh khi gặp con mồi và kẻ thù. Rắn ri voi cắn có thể gây vết thương khá sâu và buốt làm chảy máu nhiều, có những trường hợp răng rắn dính vào vết thương gây nhiễm trùng. Khi nuôi rắn cần lưu ý đặc điểm của rắn để tránh bị thương khi rắn tấn công.
Thức ăn của rắn ri voi là động vật tươi sống, không ươn thối, không vẩy: nòng nọc, ếch, nhái, cá trê, lươn con,…rắn thường ăn nhất là cá da trơn. Rắn ri voi có thể đẻ 7-8 lứa, số con tăng dần qua từng lứa. Rắn có thể sống được 10 năm.
Rắn đem lại hiệu quả kinh tế cao giá thường rơi vào khoảng 270.000-300.000đ/1kg. Rắn có thể nuôi được trong ao, vèo, bể, lu khạp,…
Nguồn cung cấp rắn ri voi hiện nay chủ yếu đến từ 3 nguồn: Bắt tự nhiên, đánh bắt và nuôi sinh sản trong đó nuôi rắn là nguồn cung cấp chủ yếu.
Kỹ thuật nuôi rắn ri voi trong bể xi măng hoặc thùng nhựa
Nuôi rắn ri voi rất ít tốn chi phí vì không nhất thiết phải đầu tư xây dựng chuồng trại, tùy theo điều kiện mà người nuôi rắn có thể tổ chức quy mô lớn hay nhỏ. Người nuôi có thể thả rắn trong thau, chậu, thùng,.. thức ăn cho rắn dễ tìm và nhẹ công chăm sóc. Nghề nuôi rắn ri voi đang được nhiều người chọn lựa và được nuôi chủ yếu ở các vùng nông thôn.
Chọn rắn ri voi giống
Khi chọn giống rắn con khoảng 50con/kg. Mật độ 30-40 con/m2; Rắn cha mẹ khoảng 0,4-0,6kg. Mật độ 5-10con/m2. Chọn rắn khỏe mạnh, lanh lợi, không sẹo và đồng cỡ.
Chuẩn bị bể hoặc thùng nuôi
1. Với bể xi măng
Xây dựng đáy bể và thành bể phải được trát láng xi măng thường cao khoảng 1m trở lên, tùy vào kích thước rắn mà bà con có thể nuôi nhốt với 1 diện tích ước chừng sao cho rắn có không gian, không bị tù là được. Trong bể cho vào 0,1-0,2m đất thịt, đất bùn; 1/2 diện tích bể là lục bình để tạo môi trường tự nhiên, còn lại để trống để thả mồi cho rắn ăn.
Trong bể có thể cho thêm lá chuối khô, bè tre hoặc can nhựa để lá chuối khôn bị ngập nước. Lượng nước trong bể khoảng 0,2-0,4m. Khi xây dựng xong có thể cho rắn vào bể nuôi. Có thể xây dựng thêm hệ thống xả, lọc nước để dễ dàng nuôi rắn.
2. Với thùng nhựa
Nuôi rắn ri voi trong thùng nhựa cũng hiệu quả không kém. Thùng nhựa nuôi rắn khoảng 20 lít, trên nắp khoét vài lỗ thoát khí, lượng nước đổ vào tầm 20-30cm. Trong thùng có thể bỏ thêm lục bình, lá chuối cắt nhỏ vừa tầm,…để tạo không gian sống cho rắn.
Khi nuôi trong thùng nhựa dễ quản lí đàn rắn, dễ cho ăn và tránh trầy xước cho rắn. Ngoài ra, sử dụng thùng nhựa còn tiết kiệm được chi phí. Đổi lại không gian sống của rắn bị thu nhỏ lại làm sinh trưởng của rắn chưa thực sự hiệu quả hơn bể. Lưu ý khi nuôi rắn không được làm ô nhiễm nguồn nước, nhiệt độ lí tưởng cho rắn từ 23-32 độ C. Khoảng 1-2 tuần thay nước 1 lần.
Thức ăn cho rắn ri voi
Cả 2 mô hình nuôi rắn trên đều có chung nguồn thức ăn đã nêu (thường là cá trê, cá chốt, cá tra… sống tươi), cách 10 ngày cho rắn ăn 1 lần, ăn tươi tỉ lệ 3-5% trọng lượng rắn, tùy vào mật độ rắn mà cho ăn, không nên để thức ăn thừa làm thối nước. 5-6 âm lịch cho rắn giao phối tỉ lệ 50% rắn đựa, 50% rắn cái trọng lượng từ 8 lạng đến 1,5kg.
Cần quan sát các biểu hiện lạ của rắn để phòng và điều trị bệnh phù hợp (Rắn bệnh nên nhốt cách ly và chăm sóc riêng). Rắn nuôi từ 6 tháng – 1 năm tuổi có thể thu hoạch.
Cho hỏi nhiệt độ ở Lâm Đồng có nuôi được rắn ri voi không