Những mô hình nuôi chim bồ câu đang dần trở nên quen thuộc tại nhiều vùng quê trên cả nước. Nhiều gia đình nuôi chim bồ câu đã thoát nghèo, có của ăn của để, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Có 2 mô hình nuôi chim bồ câu đang trở thành hướng đi bền vững giúp các nông hộ cải thiện kinh tế, đó là nuôi bồ câu nhốt và nuôi thả tự nhiên. Mỗi mô hình có cách làm chuồng khác nhau để mang lại hiệu quả cao nhất. Bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu tới bà con cách làm chuồng chim bồ câu tối ưu của theo mô hình.
Những mô hình nuôi chim bồ câu
Hiện nay có 2 mô hình nuôi chim bồ câu phổ biến nhất là nuôi thả vườn và nuôi nhốt.
1. Nuôi chim bồ câu thả vườn
Mô hình nuôi chim bồ câu thả đã xuất hiện tại Việt Nam từ thế kỉ trước. Khi ấy, mục đích chủ yếu của người nuôi là để làm cảnh và chỉ bắt thịt để đãi khách quý. Dần dần, số lượng bồ câu phát triển mạnh thì nhu cầu thịt bồ câu mới dần được hình thành.
Nuôi chim bồ câu thả có đặc điểm là người nuôi chỉ đóng chuồng cho chim sinh sản và nghỉ ngơi, còn lại chim bồ câu được thả tự do như sống ngoài thiên nhiên. Mô hình nuôi này rất ít tốn công chăm sóc và tiết kiệm rất nhiều chi phí thức ăn, thuốc… Tuy nhiên khi phát triển thành mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm thì nó lại bộc lộ nhiều nhược điểm như khó kiểm soát đàn, dễ lây lan bệnh dịch…
>> Tham khảo thêm bài viết chi tiết: Mô hình nuôi chim bồ câu thả vườn
2. Nuôi chim bồ câu nhốt
Đây là mô hình nuôi bồ câu thương phẩm phổ biến nhất hiện nay. Chim bồ câu được nuôi trong chuồng khép kín. Mặc dù chất lượng thịt kém hơn mô hình nuôi thả nhưng có thể khắc phục được bằng cách bao lưới để tăng không gian hoạt động cho chim.
Mô hình nuôi bồ câu nhốt có rất nhiều ưu điểm giúp bà con nông dân thu được hiệu quả kinh tế cao như dễ kiểm soát đàn, nhân giống, dễ chăm sóc và theo dõi tình trạng sức khỏe của chim, tăng khả năng phòng ngừa bệnh do không gian nuôi khép kín, chim phát triển nhanh..
>> Tham khảo thêm bài viết: Mô hình nuôi chim bồ câu nhốt
Cách làm chuồng nuôi chim bồ câu thả
1. Vật liệu làm chuồng
Chuồng nuôi chim bồ câu thả hầu hết được đóng bằng gỗ và thậm chí là sơn vẽ đẹp như một tòa “chung cư cao cấp”. Người nuôi nên chọn gỗ tự nhiên để đóng chuồng, hạn chế dùng ván ép vì độ bền không được cao.
2. Cấu tạo chuồng
Chuồng nuôi chim bồ câu thả gồm nhiều ô, mỗi ô có kích thước khoảng 40x40x40. Trong mỗi ô là một cặp chim. Các ô được đóng chắc chắn và chừa 1 lỗ để chim ra vào. Chuồng có mái che có thể được làm bằng tôn nhưng tốt nhất là làm bằng gỗ.
Người nuôi có thể chủ động lót ổ hoặc để chim tự làm ổ. Quy mô và cấu tạo chuồng nuôi loại này rất đa dạng với số lượng chim có thể từ vài chục đến vài ngàn cá thể.
3. Đặt máng thức ăn và nước
Máng thức ăn cho mô hình nuôi chim này có thể là một máng lớn được đặt cạnh chuồng để cả đàn ăn chung và một máng nước để chim uống. Như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian và công chăm sóc.
4. Các yếu tố phụ
Bên cạnh những điều trên thì có các yếu tố ảnh hưởng lớn đến chuồng chim như hướng chuồng thoáng mát, nhận nhiều ánh sáng, vị trí chuồng không nên nhiều tiếng ồn và đặc biệt là tránh được các loài có hại như chuột, rắn.
Cách làm chuồng nuôi chim bồ câu nhốt
I. Chuồng chim bồ câu bán công nghiệp
1. Vật liệu làm chuồng
Mô hình nuôi chim bồ câu bán công nghiệp là hướng đi rất lí tưởng hiện nay. Mô hình này khắc phục được nhược điểm của cả nuôi thả và nuôi nhốt hoàn toàn. Vật liệu làm chuồng theo mô hình này rất đa dạng, có thể là gỗ tạp, lưới thép, tre, sắt…
2. Cấu tạo chuồng
Chuồng nuôi chim bồ câu bán công nghiệp gồm có 2 phần chính là ô chuồng và lưới vây. Ô chuồng có thể làm theo mô hình nuôi thả hoặc có thể dùng gỗ làm khung và bọc lưới B40 nhưng vẫn chừa lỗ trống choc him ra ngoài. Thiết kế mỗi ô chuồng với kích thước trung bình là 40x50x60cm. Phần lưới vây xung quanh ô chuồng tạo thành một quần thể thu nhỏ, vừa có không gian cho chim hoạt động, vừa có thể quản lý dễ dàng.
3. Đặt máng thức ăn và nước
Chúng ta có 2 lựa chọn ở mô hình này đó là đặt riêng từng máng thức ăn cho mỗi ô chuồng hoặc đặt 1 máng lớn cho cả đàn. Tuy nhiên, việc đặt riêng từng ô vẫn được khuyến khích hơn. Máng làm bằng nhựa dẻo, kích thước đa dạng, có thể là 5x15cm đến 10x20cm. Đặt máng tại vị trí cho chim dễ ăn và người vệ sinh dễ lấy.
4. Các yếu tố phụ
Chuồng chim bồ câu bán công nghiệp cũng cần được xây dựng ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiều ánh sáng. Một nhược điểm của mô hình này là có nguy có xâm nhập của các loài gây hại như chuột, rắn.
II. Chuồng chim bồ câu công nghiệp
1. Vật liệu làm chuồng
Mô hình nuôi chim bồ cầu công nghiệp còn gọi là nuôi nhốt hoàn toàn. Đây là mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm phổ biến nhất hiện nay. Vật liệu làm chuồng phổ biến nhất là lưới thép, khung chuồng có thể làm bẳng gỗ hoặc sắt cây.
2. Cấu tạo chuồng
Chuồng chim bồ câu công nghiệp được xây dựng thành từng dãy dài với rất nhiều ô, mỗi ô có kích thước 40x50x60cm. Chuồng được xây trong nhà và chim chỉ sinh sống khép kín trong từng ô chuồng.
Mô hình này giúp người nuôi chủ động phân chia chim sinh sản và chim thịt ra ở riêng. Ô chuồng của chim bồ câu sinh sản có ổ đẻ đường kính khoảng 25cm, chiều 8cm, khô ráo, sạch sẽ và phải vệ sinh thường xuyên.
3. Đặt máng thức ăn và nước
Máng thức ăn và nước uống được đặt riêng cho từng ô nên rất dễ theo dõi tình trạng chim và vệ sinh hàng ngày. Máng có kích thước khoảng 5x10cm.
4. Các yếu tố phụ
Mặc dù chuồng được xây hoàn toàn trong nhà nhưng người nuôi cần lưu ý đến hướng gió và cường độ ánh sáng. Chim bồ câu thích thoáng mát và nhiều ánh sáng. Môi trường ẩm thấp sẽ làm chim dễ bị bệnh và chậm lớn.
Trên đây là những chia sẻ về các cách làm chuồng nuôi chim bồ câu phổ biến nhất hiện nay. Mong rằng những thông tin này hữu ích giúp cho mọi người có thêm kiến thức về loài chim thương phẩm đang giúp rất nhiều gia đình thoát nghèo.